04:36
0

Leica là gì? Là lịch sử. Là vẻ đẹp của cái thô kệch. Là huyền thoại của những huyền thoại. Là báu vật. Là thứ bỏ đi. Là tất cả những gì trong mơ bạn cũng không tưởng tượng nổi.
Buổi cà phê tình cờ với Dương Minh Long, nhiếp ảnh gia, bạn tôi, đã gây cho tôi nhiều suy nghĩ về Leica. Thực ra, câu chuyện với Long chỉ là cái cớ cho việc viết; còn thì, tôi đã phải “tương tư” Leica từ rất lâu rồi, từ cái thời chưa biết máy ảnh hấp dẫn như thế nào, từ cái thời tên tuổi Henri Cartier-Bresson không gợi lên một ý niệm gì.
Trong một cuộc hẹn với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lúc ấy khoảng năm 1991, tôi được ngồi chung với một ký giả Nhật. Ông ta đến phỏng vấn anh Sơn, chụp ảnh. Nghe anh Sơn vừa rót rượu vừa nói nhỏ, hắn ta dùng máy Leica kìa. Đó quả thực là lần đầu tôi nghe nói đến danh từ riêng này. Leica, đọc đúng tiếng Đức phải là “laika”. Ít lâu sau, một người bạn vong niên khác – cha của bạn tôi – nhờ tôi dịch một bức thư của nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson gửi cho một nhà nhiếp ảnh khác. Bức thư giản dị, song gây nên những vọng âm không ngớt trong lòng tôi, đến độ tôi phải vào hàng sách cũ mà lục tìm mọi thứ liên quan đến Cartier-Bresson. Đấy là cơ duyên cho tôi tìm hiểu Leica.
Hẳn nhiều người trong chúng ta biết Cartier-Bresson là một trong hai nhà sáng lập hãng ảnh Magnum lừng lẫy, người kia là Robert Capa. Tất cả các thành viên Magnum đều là nhiếp ảnh gia báo chí tên tuổi, nhiều người trong số họ đã chết khi chụp ảnh chiến tranh. Và họ đều dùng Leica, họ là những leicaists. Khác với số đông những người chụp ảnh, họ không bao giờ khoe khoang “súng ống”, bao giờ cũng giấu kín Leica trong áo khoác. Trái với những người thích an nhàn và ưa an toàn, họ luôn là kẻ tiếp cận sự kiện ở tầm dưới 2 mét, như thể họ tham gia trực tiếp vào sự kiện. Họ đánh đổi tính mạng họ lấy những bức ảnh. Leica chụp êm nhất trong các máy, gần như không phát tiếng động. Leica cũng cho phép bạn lấy nét sẵn, đặt khẩu độ sẵn và khi cần chỉ việc nhích nhẹ ngón tay là có ảnh. Những bức ảnh khốc liệt nhất của chiến tranh, cái chết, sự sụp đổ của một đế chế, một triều đại đều được Leica ghi nhận. Cartier-Bresson đặt tên hãng ảnh của ông là Magnum, tên một loại súng tầm gần thao tác nhanh là vì thế.
Leica nổi tiếng với đời máy M3, nghe đâu do chính Adolf Hitler đặt hàng (!), và được sử dụng suốt Đệ nhị thế chiến. Leica đã ra đến đời M8, kỹ thuật số (đắt kinh dị và có lẽ không đúng tinh thần Leica cho lắm). Tôi chỉ nhớ đến M6 TTL là hết, nên kết thúc ở đó.
Tại một cửa hiệu máy ảnh ở Weimar, người ta đọc thấy dòng chữ, “Đừng sợ bạn không đủ tiền mua Leica. Hãy nghĩ xem mình đã xứng đáng dùng Leica chưa.” Quả thật, bạn hay tôi, đều nên nghĩ xem thật sự mình có nên cầm một chiếc Leica không.Xem mình có dám tiếp cận sự kiện trong tầm hai mét không, hoặc đi vòng ngoài sự kiện như Cartier-Bresson (tôi sẽ nói rõ hơn ở dưới) không, xem mình có dám đón nhận một báu vật vừa xấu, thô, vừa cũ kỹ, khó lắp phim, như Leica không.
Thay vì tham gia trực tiếp sự kiện, nhiều leicaists chọn cách đi vòng ngoài, gián tiếp phản ánh sự kiện. Chẳng hạn, những người đàn bà Madrid thất thểu ngồi ngoài ngõ trong ảnh Cartier-Bresson có khả năng gợi không khí cuộc chiến tranh Tây Ban Nha khốc liệt mà không cần chụp súng ống, khói lửa, xác chết. Cách đi vòng này tưởng dễ, tưởng an toàn, thật ra khó vô vàn. Làm thế nào dùng những hình ảnh biểu trưng cho một biến cố mà không phải đi từ chính biến cố đó? Làm thế nào, với một Leica?
Với Leica, bạn sẽ phải dùng số ống kính rất hạn chế, gần như chỉ với một ống kính, nó bắt bạn phải chụp cho bằng được. Nó cũng bắt bạn dùng phim đen trắng, phải tráng rọi thủ công. Nó bắt bạn nhiều thứ – bởi Leica là một thứ vũ khí của kẻ sáng tạo, của chứng nhân, chứ không phải thứ đồ chơi vui mắt.
Nếu trông thấy một chiếc Leica vứt dưới cống, bạn có nhặt không? Chín mươi phần trăm là không. Mẩu sắt vụn đáng gì! Vâng, Leica chỉ lấp lánh trong mắt những người hiểu nó. Chỉ lấp lánh với những ai đáng cho nó lấp lánh.
Tinh thần Leica là thế. Tôi vẫn không đủ tự tin để sở hữu nó. Ngay cả vào lúc tôi viết bài này, thật đấy.
(theo quocbaomusic.com)