04:34
0


Chụp ảnh đời thường, “street life” đang trở thành một cái mốt cho những tay máy tập chụp ảnh. Phải chụp đời thường mới gọi là đỉnh cao của nghệ thuật, chụp đời thường mới chứng tỏ đẳng cấp… đó là những điều ta thường nghe thấy.
Chụp đời thường tưởng dễ mà khó, người chụp ảnh thường dễ bị mắc các lỗi sau:
- Chụp người nghèo khổ mới là đời thường
- Chụp đen trắng mới là đời thường
- Chụp bước chân mới là đời thường…
xác định chụp đời thường là phải xác định trở thành một người thầm lặng quan sát và ghi nhận cuộc sống một cách lặng lẽ. Chụp đời thường khó nhất là làm sao tiếp cận được đối tượng. Chụp ảnh đời thường để có thể nắm bắt được khoảnh khắc đa phần người chụp phải chụp trộm . Người mới chụp thì thường không biết tiếp cận nên phải chụp trộm bằng lens tele, càng dài càng tốt. Thế nhưng các nhiếp ảnh gia chụp đời thường thì lại chỉ dùng các lens fix góc rộng hoặc normal.
Francis Capa, một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng về thể loại ảnh phóng sự, báo chí đã từng nói “If your pictures aren’t good enough, you’re not close enough.” Ảnh của bạn chưa đủ tốt vì bạn chưa đủ gần. Sử dụng các lens wide và normal bắt buộc người chụp phải tiến thật gần đối tượng. Thế nhưng đa số mọi người đều tỏ ra không tự nhiên khi đứng trước ống kính. Không phải vô cớ mà Philip Jones Griffiths nói “Điều duy nhất nhiếp ảnh gia chúng tôi thực sự mong muốn hơn cả cuộc sống này, hơn cả những ham muốn về thể xác, hơn bất cứ thứ gì, là được trở nên vô hình”.
Làm thế nào để trở thành vô hình? Mỗi người có một cách tiếp cận đối tượng riêng. HCB cha đẻ của nghệ thuật ảnh đời thường trường phái Decisive Moment nghe đồn là thường giấu chiếc máy ảnh của mình trong một chiếc mùi soa. Có một số người thì lại tập để shot from the hip. Để máy ảnh ngang hông, đoán tiêu cự không cần ngắm cứ thế chụp, có người thì lại đứng tại một chỗ, rình rập điều sắp xảy ra để chụp.
Một số người chụp ảnh street life thường cho rằng tele chỉ dành cho paparazzi. Trong chiến tranh Việt Nam, nghe nói có những phóng viên hàn chết lens 50 mm vào chiếc máy ảnh của mình với mục đích đem lại những tấm ảnh chân thực nhất về cuộc chiến.
Ở Việt Nam trước kia nếu nói chụp đời thường sẽ thường liên quan đến cảnh chụp nguời công nhân trên giàn giáo, người nông dân ôm bó lúa cười rạng rỡ, trẻ con trần truồng tắm suối, đụn cát, ổ rơm… ảnh mang tính chất sắp đặt.
Trong khi đó ảnh street life lại là những khoảnh khắc ngẫu nhiên, có thể người chụp ảnh tình cờ thấy và chụp lại có thể người chụp ảnh rình rập đợi khoảnh khắc xảy ra. Ánh sáng trong ảnh street life thường là ánh sáng tự nhiên, không dùng flash. Ngoài ra thường không chụp DOF mỏng, hiếm thấy một bức ảnh nào không có background.
Chính vì thế mà với những người chụp ảnh street life có một loại máy ảnh được ưa thích, đó là máy ảnh rangefinder.
Nhớ ngày xưa, lúc đọc tiểu thuyết Kim Dung, có nhân vật Độc Cô Cầu Bại, con người này vì quá giỏi kiếm thuật, cả đời chỉ mong kiếm được đối thủ đánh bại mình mà không được, có tổng quát về cuộc đời sử kiếm của ông ta như sau:
* Lúc trai trẻ lòng đầy nhiệt huyết mà thiếu sự chín chắn thì sử dụng tử vi kiếm là thanh bảo kiếm sắc, nhẹ và linh hoạt.
* Khi đạt độ chín của suy nghĩ và sức lực, sử dụng thanh kiếm sắt nặng nề mà không sắc bén.
* Khi bắt đầu về già, suy nghĩ và kiếm thuật đạt trình độ cao, vũ khí chỉ còn là thanh kiếm gỗ và đạt mức thượng thừa thì không kiếm mà thắng đối thủ, bất cứ thứ gì cũng là kiếm.
Cái máy rangefinder tôi sử dụng đầu tiên là quãng 2 năm trước. Trước đấy thú thực là tôi không để ý đến dòng máy này lắm vì những nhược điểm của nó. Thứ nhất là máy gì bé tí tẹo trông chẳng khác gì cái máy PnS là bao nhiêu, trông chả oai tí gì nhất là khi đứng bên cạnh các máy SLR hoặc DSLR full frame. Thứ hai là máy gì mà khó lấy nét, phải căng mắt mới thấy điểm lấy nét bé tí tẹo. Thứ ba là máy gì mà cái mình thấy trong ống ngắm chưa chắc đã phải là cái mình chụp. Thứ tư là máy gì chả hỗ trợ đo sáng gì cả. Thứ 5 là… tức là có quá nhiều thứ để chê.
Chính vì thế mà trong một thời gian các máy rangefinder bị người đời khinh rẻ, hắt hủi, các hãng không sản xuất nữa, chỉ còn một mớ máy cũ rẻ như bèo, chả ai thèm để ý.
Thế nhưng sau này, khi bắt đầu chụp rangefinder và tập chụp ảnh đường phố, đời thường. Tôi bắt đầu hơi hiểu tại sao những người chụp đường phố lại thích chụp rangefinder. Chính những cái bất tiện của rangefinder lại là điểm mạnh của nó. Những người chụp đường phố đích thực như những Độc cô cầu bại vậy, họ không cần phải bận tâm đến điểm lấy nét, không phải suy nghĩ xem đo sáng điểm hay đo sáng trung tâm, cộng trừ mấy EV, cái họ quan tâm là cảm xúc của tấm ảnh. Họ không cần chụp DOF mỏng nên không quan tâm đến khống chế DOF có dễ không. Ngay cả tính năng chụp multishot hay lấy nét AF họ cũng không cần.
Như một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi của nước nhà được báo chí ca ngợi là anh lúc nào cũng phản xạ nhạy bén, chỉ cần nghe tiếng động là đã sẵn sàng bắn. Chắc chắn anh sử dụng một cái máy DSLR với chức năng multishot mà nhân gian gọi là chụp như vắt sổ. Những người chụp ảnh như vậy được ví như Rambo, lúc nào cũng lăm lăm một khẩu súng máy trên tay, bắn như vãi đạn, thà giết nhầm còn hơn bỏ sót, trăm bó đuốc thể nào cũng được một con ếch.
Những người chụp rangefinder lại được ví như những tay súng bắn tỉa, họ kiên nhẫn, họ rình rập chờ đợi cơ hội đến, và khi cơ hội đến, họ kết thúc bằng một phát súng.
Chiếc máy rangefinder có làm cho bạn chụp ảnh tốt hơn được không? Hiển nhiên là không. Nó cũng như thanh kiếm gỗ vậy, bạn chỉ dùng nó giết người được nếu bạn là một cao thủ kiếm, còn nếu không nó cũng chỉ là một thứ đồ chơi mà thôi.
candid (theo blog.cinvea.com)
Bài đăng Mới hơn
Previous
This is the last post.